BLOG

Chiếc nôi của nghệ thuật thêu tay

Chiếc nôi của nghệ thuật thêu tay

Thêu là loại hình nghệ thuật tinh hoa truyền thống cổ xưa của Trung Hoa, xuất hiện từ rất sớm, từ khi xây dựng con đường tơ lụa, tính đến nay cũng đã có hơn 2000 đến 3000 năm lịch sử. Lịch sử của ngành nghề truyền thống này vốn gắn liền với lịch sử tâm linh của người phụ nữ Trung Quốc cổ đại, dùng công việc thêu thùa để bày tỏ tâm sự, tình cảm và để làm đẹp cho chính mình. Kỹ năng này đã đạt tới trình độ tương đối cao vào thời nhà Tấn, nhà Hán, thêu thùa và tơ lụa từng là hàng hóa chính được vận chuyển trên con đường tơ lụa.

Thêu tay thời Hán (221B.C.-220A.D.)

Nghề thêu bắt nguồn từ nhu cầu làm đẹp, trang điểm bản thân. Thời hoàng đế đã có bài ghi chép về hoa văn và màu sắc, từ khi người xưa phát hiện ra rằng màu sắc có thể điểm tô sắc đẹp, họ bắt đầu quét màu sắc lên cơ thể và gọi đó là "chương thân", sau đó, họ lại xăm mình; cuối cùng được thêu trên quần áo. Đến thời nhà Tần và nhà Hán, nghề thêu đã khá phát triển. Thời Tiền Hán Vũ Chiêu, không chỉ vua chúa, quý tộc mới được ăn mặc gấm vóc lụa là, mà ngay cả những gia đình khá giả cũng có quyền mặc đồ thêu năm bảy thứ màu, đắp chăn gấm thêu hoa. Thậm chí những chiếc chiếu họ ngồi, những chiếc màn họ nằm, cái túi tuẫn tángcùng người quá cố cũng được thêu một số hoa văn. Dân gian còn như vậy, huống hồ quý tộc. Cung điện của họ được trang trí bằng hàng dệt tơ, lụa bằng tảo biển, đến nỗi "ốc bất trình tài, tường bất lộ hình” (có nghĩa là, nhà không biết được xây bằng vật liệu gì, tường không để lộ ra), cột nhà, lan can cũng được bọc bằng đồ thêu. Thời nhà Hán, là thời kỳ phát triển thinh vượng của nghề thêu. Trong một cuốn sách cổ bằng thẻ tre được khai quật ở Lăng mộ số một của Mã Vương Đôi thời Hán đã ghi lại 3 loại thêu: thêu Tín Ki, thêu Thừa Vân và thêu Trường Thọ.

Đến cuối đời nhà Hán và thời kỳ Nam Bắc triều, Trung Quốc bắt đầu bước vào thời đại “Tượng giáo di tăng” (Phật giáo còn được gọi là Tượng giáo), do đó trong dân gian nổi lên phong trào thêu tượng Phật. Ngoài ra, không thể không nhắc đến Triệu phu nhân - người vợ của Ngô Vương Tôn Quyền thời Tam Quốc. Theo bài ký "Những danh họa của các triều đại" của Trương Ngạn Viễn, Triệu phu nhân là em gái của thừa tướng Triệu Đạt, thông minh lanh lợi, tinh thông thư họa, cái thế vô song, có thể biến những sợi tơ màu thành rồng bay phượng múa trên gấm lụa. Do những thành tựu bà đạt được, mà người đời gọi bà là Tam tuyệt - Cơ tuyệt - Châm tuyệt - Ti tuyệt. Một đặc điểm nổi bật khác của nghề thêu thời đó là sự xuất hiện hình ảnh nhân vật trong tác phẩm thêu, đây cũng khơi dòng cho thể loại thêu nhân vật sau này.

Han Dynasty Embroidery

Thêu tay thời Hán (221B.C.-220A.D.)

Thêu tay thời Đường (618-906) 

Từ thời nhà Đường, thêu đã bắt đầu được coi là một loại hình nghệ thuật, với rất nhiều các bức tranh thêu, y phục thể hiện chất lượng cũng như kỹ xảo thêu thùa đỉnh cao. Hiện nay, rất nhiều cá tác phẩm thêu cổ điển Trung Hoa đang được lưu giữ trong các bảo tàng ở Mỹ, Anh, Nhật Bản v.v. Thêu thùa dưới thời Đường được sử dụng rất rộng rãi, các thủ pháp thêu cũng có nhiều bước phát triển mới. Các nghệ nhân có thể dùng thêu may vá phục sức, dùng để tạo đồ trang sức, chế tác rất tinh xảo, hoa lệ. Bên cạnh đó, thêu thùa cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ ca, văn học thời kỳ này, ví dụ trong bài thơ “Tần trung ngâm” của Bạch Cư Dị có câu thơ “Hồng lâu phú gia nữ, kim lũ thứ la nhu”, (thứ) là thêu, dịch nghĩa:

“Thiếu nữ phú quý lầu son, kim vàng thêu áo lụa”. 

Hồng lâu phú gia nữ, kim lũ thứ la nhu - Bạch Cư Dị

Thời nhà Đường và nhà Tống, nghề thêu phát triển theo hướng tinh xảo hóa, xu thế này chủ yếu chịu ảnh hưởng của môi trường xã hội. Trong xã hội phong kiến mà người đàn ông cày cấy, người phụ nữ dệt vải, các cô gái phải học kỹ thuật thêu may. Chính vì thế, đối với những tiểu thư đài các, thêu thùa đã trở thành hoạt động duy nhất để họ tiêu khiển, tu tâm, hun đúc tâm linh. Nói ngắn gọn, sự ra đời của “khuê tú” không phải là tình cờ.

Do đối tượng tham gia vào nghề thêu ngày càng được nhân rộng, sự khác biệt về mặt trình độ văn hóa và điều kiện vật chất giữa họ, và sự tham gia của những văn nhân thi sĩ, nghề thêu đã tiến bộ nhảy vọt trong thời đó. Sự đóng góp hăng hái của giới trí thức khiến cho thư-họa-thêu gắn bó với nhau chặt chẽ hơn, hình thành nên một chiều hướng mới - họa sĩ vẽ tranh, nghệ nhân thêu.

Triều đại nhà Đường là thời đại Phật giáo hưng thịnh nhất trong suốt lịch sử Trung Hoa. Vì vậy, thêu thùa bên cạnh việc làm y phục, trang sức còn được sử dụng nhiều để thêu các bức tranh về tượng Phật. Thời Võ Tắc Thiên, đã lệnh thêu hơn 400 bức tượng Phật, sau đó đem gửi đến các chùa chiền và dùng làm lễ vật gửi sang các nước khác. 

Tang Dynasty Embroidery

Kỹ thuật chế tạo sợi chỉ vàng dưới thời Đường (618-906) 

Kỹ thuật chế tạo sợi chỉ vàng dưới thời Đường được coi là đặc biệt phức tạp. Đầu tiên đem những khối vàng quý hiếm ra chế tác thủ công, mài thành những miếng vàng mỏng, tránh cho miếng vàng không bị giòn vỡ nên các nghệ nhân phải dùng một lượng bạc nhỏ làm thành phần trong đó. Sau đó đem những miếng vàng mài thành những sợi vàng nhỏ, mỏng, đường kính chỉ có 0.06 mm. Loại công nghệ này thời Đường thực hiện hết sức tinh xảo, kỹ thuật hiện đại chúng ta quả thật không so được.

Thêu tay thời Tống (960-1279)

Từ triều Tống, thêu thùa trở thành loại hình nghệ thuật bậc nhất với những tác phẩm mỹ lệ thể hiện tay nghề, kỹ xảo cao siêu. Thời kỳ này, các tác phẩm kết hợp giữa hội họa và thêu thùa rất được ưa thích. Những bức tranh với lối vẽ tranh tinh vi, tỉ mỉ rất được ưa chuộng, thủ pháp cũng đạt đến đỉnh cao trong nền lịch sử nghệ thuật truyền thống của Trung Hoa. Thời Tống có rất nhiều các viện thêu được sáng lập, thỉnh rất nhiều các nghệ nhân có tay nghề nổi tiếng đến. Điểm đặc biệt của thêu thùa thời Tống đó là tranh lụa kết hợp với thêu. Đầu tiên, các nghệ nhân sẽ họa tranh, thường là vẽ lên lụa, sau đó dùng kim thêu, thêu từng đường chỉ tinh tế, hoàn thiện bức tranh. Vì vậy, dưới triều Tống, tài nghệ, kỹ xảo thêu thùa đã đạt bước thượng thừa.

Tranh lụa được coi là tinh hoa nghệ thuật tơ lụa truyền thống Trung Hoa. Không chỉ bởi giá trị trân quý của một mảnh lụa “Một tấc lụa, một tấc vàng”, mà còn bởi tay nghề cao siêu cũng như sự phức tạp mà không mất sự tinh tế, tỉ mỉ của loại hình nghệ thuật này.

Song Dynasty Embroidery

“Mai thước” được coi là tác phẩm đại diện cho nghệ thuật thêu dệt cung đình thời Tống (960-1279)

Thêu tay thời Nguyên (1280-1368)

Sự chạm vào tâm linh của nghệ thuật thêu được củng cố bởi các vị vua triều Nguyên, những người hành đạo đạo Phật. Nghệ thuật thêu không chỉ được ứng dụng rộng rãi trong việc trang trí trang phục mà còn nằm một phần quan trọng trong việc tạo hình các tượng Phật, kinh sách và lá cờ cầu nguyện của đạo Lạc Dương.

Han Dynasty Embroidery

Thêu tay thời Nguyên (1280-1368)

Thêu tay thời Minh (1368-1644)

Thời nhà Minh và nhà Thanh, các cơ sở chuyên sản xuất hàng hóa thêu tay đã xuất hiện ở khắp nơi. Đặc biệt là vào thời nhà Minh, ngành nghề thủ công dân gian phát triển, đẩy công nghệ và sức sản xuất nghề thêu phát đạt tới đỉnh cao. Cũng trong thời kỳ này đã nảy sinh ra các trường phái nghệ thuật có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sau, ví dụ như, Cố tú của Thượng Hải, Kinh tú của Bắc Kinh, Biện tú của Khai Phong (Hà Nam) , Lỗ tú của Sơn Đông v.v. Không chỉ đạt đến độ tinh xảo về đường nét, thêu tay thời kỳ này còn gây ấn tượng bởi khả năng phối màu hài hòa, sinh động, chứng minh công nghệ nhuộm chỉ cũng đã có nhiều bước tiến vượt bậc. 

Triều Minh, có một họa sĩ rất nổi tiếng tên Đổng Kỳ Xương, cũng là nhà giám định rất nổi tiếng. Ông đánh giá rất cao đối với nghệ thuật thêu thùa thời Tống, theo ông, kỹ thuật dùng kim thêu để họa lên một bức tranh của nghệ nhân thời Tống thậm chí còn cao hơn các bậc danh họa.

Các nghệ nhân thêu thời Minh về cơ bản là kế thừa lại phong cách nghệ thuật của thời Tống, bên cạnh đó, cũng tự mình tạo ra một vài kỹ thuật thêu khác. Khi nền tảng của chủ nghĩa tư bản bắt đầu nảy mầm trong thời kỳ Minh, nghệ thuật thủ công và nhiều ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ. Thêu được sử dụng rộng rãi trong mọi tầng lớp, từ cung đình, quý tộc đến người dân lao động bình thường, cũng được ứng dụng trong nhiều ngành nghề hơn, vì thế từ triều Minh cho đến triều Thanh, cũng là thời kỳ thêu thùa phổ biến nhất trong lịch sử văn hóa truyền thống Trung Hoa, nghệ thuật thêu được đưa lên mức cao trong văn hóa đại chúng. Chất lượng của nghệ thuật thêu và nguyên liệu cho việc sử dụng hàng ngày đã được cải thiện và mở rộng sang thêu tóc, thêu giấy, thêu mảnh kim, thêu sợi, thêu kim loại và nhiều hơn nữa.. Kỹ năng trở nên thành thạo hơn. Trong thời kỳ Minh, các gia đình và cá nhân chuyên nghiệp bắt đầu xuất hiện.

Song Dynasty Embroidery

Thêu tay thời Minh (1368-1644)

Thêu tay thời Thanh (1644-1921)

Giữa triều đại Thanh, quốc gia yên bình và kinh tế phồn thịnh. Nghệ thuật thêu đã phát triển và được cải thiện thêm trong nhiều loại thêu khác nhau: hình ảnh sống động, giống thật, tinh tế độc đáo, tuyệt vời và lịch lãm, độ trang nghiêm tĩnh lặng và hiệu ứng nghệ thuật, thậm chí còn nhiều hơn trên các trang trí cho mọi nhu cầu sử dụng hàng ngày.

Nghệ thuật thêu thời Thanh đã kế thừa các đặc điểm của nghệ thuật thêu thời Minh và hấp thụ thành phần mới từ thêu Nhật Bản và thậm chí là nghệ thuật phương Tây.

Qing Dynasty Embroidery

Thêu tay thời Thanh (1644-1921)

    Các loại hình tranh thêu tay tiêu biểu của Trung Quốc

    1. Cố thêu - phương pháp thêu của người họ Cố

    Ở Tùng Giang, nay là thành phố Thượng Hải, một gia tộc gọi là Lộ Hương Viên, có một người con dâu vô cùng khéo tay, cô đã sáng tạo nên rất nhiều các loại phong cách thêu. Ban đầu tranh thêu đều là chọn dùng sợi tơ, nhưng cô đã sáng tạo nên một kỹ thuật mới, cô có thể dùng tóc làm vật liệu để thêu, thậm chí là lông gà, lông chim cũng được coi là vật liệu chính để thêu. Ngoài ra còn có một kỹ thuật có độ khó cao khác như dùng miếng vàng mỏng quấn quanh sợi tơ sau đó dùng để thêu.

    Cô đã tạo nên một phương pháp thêu rất nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như các nghệ nhân thời Minh, tên gọi là “Cố thêu”.

    Tranh của Cố thêu chủ yếu lấy cảnh sơn thủy, tranh hoa và chim v.v. trong các danh phẩm thời Tống và Nguyên làm nhân vật chính rồi kết hợp vẽ. Y phục các nhân vật thì dùng bút vẽ sau đó dùng kim thêu; khuôn mặt thì thêu trước vẽ sau; còn các cảnh sắc thiên nhiên như mây thì dùng bút vẽ trực tiếp không thêu. Nét nghệ thuật đặc biệt của Cố thêu nằm ở việc dùng kim thêu thay bút, lấy mô phỏng các danh phẩm thời đại trước làm chủ, chủ tâm theo đuổi phong cách tao nhã, thanh lịch mà tràn đầy tâm ý của người nghệ sĩ của nghệ thuật vẽ truyền thống Trung Hoa. Đặc điểm tranh của Cố thêu là thường có màu xanh lục nhạt, vải thêu cũng chọn màu hơi ngả vàng, thiết kế màu sắc không được sinh động như những hàng thêu khác.

    Con cháu của Cố thị chỉ thích ăn chơi hưởng lạc, làm cho về sau gia đình suy kiệt, Cố thị phải đem những bức thêu của mình ra làm hàng hóa. Sau đó cũng thu nhận các tú nương về để truyền nghề.

    nhung hang theu noi tieng 10

    Cố thêu được liệt vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể với hơn 400 năm lịch sử.

    2. Thục thêu - hàng thêu đất Thục, thuộc tỉnh Tứ Xuyên

    Trường phái tranh thêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sản phẩm bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia và là sản phẩm đặc biệt của Thành Đô, Tứ Xuyên, Trung Quốc. 

    Thục tú của Thành Đô: Tứ Xuyên là vùng dệt gấm có tiếng (gấm Thục) nên nghề thêu cũng phát triển. Thục tú xưa ít thêu tranh, mà thường thêu trên đồ dùng hàng ngày. 

    Thục thêu là loại hình được lưu giữ và truyền thừa lâu đời nhất Trung Quốc, nó có một nét quyến rũ riêng với gam màu tươi sáng, tinh tế, đường kim mũi chỉ tinh xảo, phong phú đứng đầu trong các loại tranh thêu nổi tiếng hiện nay. Thục thêu sử dụng vải sa tanh mềm và lụa màu làm nguyên liệu chính. Đặc biệt nó có tới hơn 122 loại mũi thêu như mũi đặt, mũi lăn, mũi cắt, mũi phủ,… Chủ đề của tranh thêu thường là hoa cỏ, chim, cá, động vật, phong cảnh,… Ngoài việc thêu trên màn thêu bình thường thì nó còn được thêu trên vỏ gối, chăn, đệm và các đồ vật trang trí khác. 

    3. Tô thêu - hàng thêu Tô Châu

    Tranh thêu Tô Châu thuộc vào lô di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đầu tiên được chọn vào danh mục khôi phục nghề truyền thống quốc gia và thuộc top 4 nghề thêu nổi tiếng nhất Trung Quốc.

    Tô tú của Tô Châu: tranh thêu rất đa dạng từ phong cảnh, hoa, điểu, động vật, thủ pháp châm kim rất linh hoạt tinh tế, đặc biệt chú trọng sự tỉ mỉ, nghe nói thợ thêu có thể tước một sợi chỉ tơ thành nhỏ đến 1/16 mà thêu. Tô thêu có phong cách độc đáo, hoa văn đẹp, khéo léo, đường thêu tỉ mỉ, đường chỉ sống động, màu sắc trang nhã mang đậm bản sắc địa phương. 

    Dòng tranh thêu Tô Châu nổi tiếng nhất là ở trấn Trấn Hồ trong khu công nghệ cao của viện nghiên cứu thêu Tô Châu. Trấn Hồ là nơi chính sản sinh ra nghệ thuật thêu Tô Châu và chiếm tới 80% số lượng sản phẩm thêu Tô Châu. 

    4. Hàng thêu - hàng thêu Hàng Châu

    Hàng thêu Hàng Châu, còn được gọi là Cát thêu, có nguồn gốc từ thời nhà Hán, triều đại Nam Tống là thời kỳ thịnh vượng. Hàng thêu chủ yếu là do nam công nhân làm. Do đó, trong ngành công nghiệp này, chỉ có nam công nhân được truyền thụ kỹ thuật.

    Loại thêu này vẫn phổ biến ở thời Trung Hoa Dân Quốc và trở thành một đặc điểm chính của thêu Hàng Châu. Thiết kế của Hàng thêu hầu hết dựa trên các mẫu truyền thống như rồng, phượng, kỳ lân, dơi, con công, hoa mẫu đơn, thọ đào, bát quái, phong cảnh Tây hồ,... và những hình vẽ truyền thống.

    nhung hang theu noi tieng 4

    5. Ôn thêu - hàng thêu Ôn Châu, ở tỉnh Chiết Giang

    Nghệ thuật truyền thống địa phương của Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, còn được gọi là Họa Liêm, còn được gọi là Ôn thêu, được bắt đầu từ thời nhà Đường và phát triển mạnh mẽ vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Tranh thêu Ôn có thể nổi tiếng ngang với tứ đại hàng thêu ở Trung Quốc, một trong những hàng thêu xuất khẩu nổi tiếng ở Trung Quốc, không chỉ được quốc gia quý trọng mà còn được làm quà tặng quốc gia.  

    Phương pháp đặc biệt như sau: trúc được cạo đi lớp da màu xanh lá cây, phân thành từng phiến, nấu chín rút tơ, bện thành tấm vải trúc, sau đó dùng thuốc màu và chỉ tạo thành sản phẩm thêu ở trên bề mặt. Ôn thêu thường có nội dung chủ yếu như thú vật, sơn thủy, đặc biệt có sở trường về thêu các nhân vật.

    Là một loại hình thủ công thêu độc đáo của Trung Quốc, tranh thêu Ôn dần dần phát triển và bắt đầu có tác dụng là trang trí nhu yếu phẩm hàng ngày. Các sản phẩm thêu ban đầu của nó bao gồm áo choàng thần, trang phục opera, bình phong... sau mở sang thêu phong cảnh, động vật, thư pháp… có giá trị và tác dụng trang trí rất cao.

    tranh theu

    Ô thêu thuộc lô văn hóa phi vật thể đầu tiên ở tỉnh Chiết Giang, di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và là loại nghệ thuật trọng điểm được bảo vệ ở tỉnh Chiết Giang. 

    6. Tương thêu - hàng thêu Hồ Nam 

    Tương tú của Hồ Nam: Tương tú thường thêu động vật, thêu mãnh thú như hổ, rồng, sư tử, vô cùng tinh tế và sinh động.

    Thêu lụa thủ công tập trung chính ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Đây là một trong “tứ đại danh thêu” nổi tiếng của Trung Hoa. Tương thêu có một lịch sử lâu dài, được khởi nguồn ở Trường Sa trong thời Chiến Quốc và tranh thêu chữ Hán vào thời Tây Hán. Phương pháp kim của Tương thêu chủ yếu là sảm kim (sảm: trộn lẫn), được phát triển nhờ tiếp thu những ưu điểm của nghề thêu Tô Châu và thêu Quảng Đông và nó cũng đã có lịch sử hơn 2.000 năm. Phương pháp kim thêu Hồ Nam được đặc trưng bởi kim nhân sâm, có thể thể hiện hình dạng ba chiều và hiệu ứng nhòe của vật thể. 

    Tranh thêu Hồ Nam được đặc trưng bởi các lớp màu phong phú tạo nên những bức tranh thêu đẹp như tranh vẽ. Tranh thêu Hồ Nam có nhãn cầu sống động và gần giống như thật dần dần đã phát triển thành tranh thêu hai mặt hoàn toàn khác với màu sắc, hình dạng và các mặt khác nhau.  

    Tranh thêu Hồ Nam đã liên tiếp tham gia các cuộc triển lãm quốc tế được tổ chức tại Nhật Bản, Panama, Hoa Kỳ và những nơi khác, đồng thời loại hình thêu này cũng đã giành được nhiều giải thưởng và có uy tín cao trên thị trường quốc tế.

    7. Việt thêu - hàng thêu Quảng Đông

    Việt tú của Quảng Đông: Việt tú chia thành hai nhánh lớn là Triều Tú của Triều Châu chuyên thêu kim tuyến và thêu tranh nổi (độn bông ở dưới mặt chỉ để mẫu thêu có độ phồng nhất định). Việt Tú vốn chuyên làm tranh, rèm...để thờ trong các đình miếu. Nhánh thứ hai của Việt Tú là Quảng Tú của Quảng Châu, đặc điểm của Quảng tú cổ điển là giữa các chi tiết của mẫu thêu có chừa 1 khoảng cách rất bé, gọi là lưu thủy lộ (chừa đường nước).

    Loại hình thêu này có nguồn gốc từ thời nhà Đường với nhiều chủ đề thêu, trong đó các chủ đề truyền thống như rồng , phượng , mẫu đơn, chim và phượng, trái cây ngon từ các nước phía nam như vải thiều, công, vẹt… Có 3 loại phương pháp đi kim: kim cơ bản, kim phụ trợ và kim hình ảnh và khoảng  45 loại kim, bao gồm kim kim thẳng,  kim liên tục, kim cắn,  kim đặt, kim đóng đinh, kim thắt cổ, kim thêu lưới và kim đập,… 

    Tranh thêu Quảng Đông chú ý đến sự kết hợp giữa hình dạng và chất lượng của chất liệu. Có bốn loại tranh thêu: Tranh thêu nhung lụa, tranh thêu chỉ vàng và bạc, tranh thêu chỉ và tranh thêu hạt cườm. Tranh thêu nhung lụa sử dụng lụa làm chất liệu thêu và có sức truyền tải mạnh mẽ. Đây là kiểu thêu Quảng Đông có lịch sử lâu đời nhất và sự kế thừa đầy đủ nhất các kỹ năng. Có hơn 60 loại gồm bao gồm thêu đệm, thêu đỉnh, dệt thêu và thổ cẩm. Thêu cườm là một loại hình thêu mới của Quảng Đông mới chỉ được các nghệ nhân thêu Quảng Đông phát triển và áp dụng trong những thập kỷ gần đây.

    Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một trong bốn nghề thêu lớn nhất ở Trung Quốc là tên chung của thêu Quảng Châu (thêu Quảng Châu ) và thêu Triều Châu ( thêu Châu). 

    8. Biện thêu - hàng thêu Khai Phong, Hà Nam

    Biện thêu đã nổi danh khắp cả nước từ thời Tống, được mệnh danh là “Quốc bảo”. Đây là trường phái thêu không chỉ khắc họa giỏi về hoa lá, chim chóc, côn trùng, cá, chim và động vật mà còn giỏi thể hiện phong cảnh, khắc họa nhân vật một cách tỉ mỉ và sống động. 

    Tranh biện thêu vừa có phong cách trang nhã, sống động của tranh thêu Tô Châu, vừa có nét tươi sáng , không gò bó của tranh thêu Hồ Nam, từ đó mà hình thành đặc điểm của thêu biện với đường thêu tinh xảo, màu sắc đơn giản trang nhã, từng lớp thêu rõ ràng, hình ảnh sống động.

    tranh theu

    Biện thêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Hà Nam. 

    10. Tấn thêu - hàng thêu Sơn Tây

    Một nghề thủ công truyền thống cổ xưa của dân gian tỉnh Sơn Tây. Với đặc điểm địa phương ở Sơn Tây, màu sắc tương phản là khá mạnh mẽ. Hiệu ứng ba chiều của Tấn thêu rất mạnh, cộng với hiệu ứng thị giác đầy đặn. Tấn thêu chủ yếu đại diện bởi những sản phẩm như giày đệm, đầu hổ, hồ lô.

    nhung hang theu noi tieng 6

    10. Kinh thêu - hàng thêu của kinh thành Bắc Kinh

    Kinh thêu hay còn được gọi là “thêu cung đình“, hay “cung thêu“. Phát triển hưng thịnh trong thời nhà Minh và nhà Thanh. Chủ yếu được sử dụng để trang trí quần áo phục sức trong cung đình. Chất liệu của kinh thêu rất tinh tế sang trọng, tinh tế từ công nghệ, phong cách ưu nhã. Thường lấy lụa tơ tằm làm vải thêu; chỉ thêu có khi là sợi bạc sợi vàng. Điểm đặc biệt nữa là, kho báu này đều là sản phẩm thêu của những người thợ thủ công là nam nhân. Đó là sự khác biệt rất lớn giữa nghệ thuật thêu trong cung đình và dân gian.

    nhung hang theu noi tieng 8

    Tài liệu tham khảo

    Trương Nam - Shanghai International Studies University

    https://baothuathienhue.vn

    https://tttt.ninhbinh.gov.vn/du-lich

    https://baophutho.vn

    https://riba.vn

    http://xqvietnam.com

    Wikipedia 

    Đang xem: Chiếc nôi của nghệ thuật thêu tay

    Viết bình luận

    This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
    0 sản phẩm
    0₫
    Xem chi tiết
    0 sản phẩm
    0₫
    Đóng