BLOG

Thơ Xuân

Thơ Xuân

Giá chi vũ bãi thí xuân sam,

Huống trị kim triêu tam nguyệt tam.

Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính,

Tòng lai phong tục cựu An nam.

(Quỹ Trương Hiển Khanh xuân bính - Trần Nhân Tông)

  • Dịch thơ

Giá Chi múa xong, thử áo xuân

Lại thêm hàn thực, tiết thanh nhuần

Bánh rau như ngọc hồng ăm ắp

Tục Việt từ xưa đẹp bội phần.

  • Dịch nghĩa

Múa giá chi xong, thử tấm áo ngày xuân,

Huống nữa hôm nay lại gặp tiết mồng ba tháng ba.

Bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm,

Đó là phong tục của nước An Nam xưa nay.

Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) muốn dùng văn hoá, phong tục để giành lấy thiện cảm cũng như sự nể trọng, đánh giá cao của sứ giả phương Bắc. Vào ngày xuân, Phật hoàng Trần Nhân Tông đón tiếp sứ thần nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh (1291), tặng bánh làm quà cho ông ta, nhân đó làm bài thơ để tặng sứ thần trong đó gửi gắm thông điệp văn hoá của mình. Đằng sau những câu thơ tường thuật phong tục ngày xuân của nước Nam một cách khách quan, ngắn gọn, có thể thấy rõ niềm tự hào, kiêu hãnh về “phong tục của nước An Nam xưa nay” của tác giả. Hình ảnh “bánh rau mùa xuân, như ngọc hồng bày đầy mâm” như muốn nói với sứ thần nhà Nguyên về sự phồn thịnh, tươi đẹp, thuần hậu của nước Việt ngay sau chiến tranh, cũng ngầm khẳng định bản lĩnh, nội lực, sức mạnh tiềm tàng của dân tộc Đại Việt trước những mối đe dọa chưa dứt từ bên ngoài. Sức mạnh ấy không chỉ nằm ở kinh tế, chính trị, quân sự mà còn nằm ở văn hóa, phong tục mà chính Phật hoàng cũng là người dày công gây dựng, vun đắp.

 

Đang xem: Thơ Xuân

Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
0 sản phẩm
0₫
Xem chi tiết
0 sản phẩm
0₫
Đóng